Hiển thị các bài đăng có nhãn Mẹovặtcôngnghệ. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Mẹovặtcôngnghệ. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Sáu, 11 tháng 2, 2022

Mỹ thu hồi 3,6 tỷ USD từ vụ hack Bitcoin lớn nhất lịch sử

 Bộ Tư pháp Mỹ đã tịch thu hơn 94.000 Bitcoin bị đánh cắp, tương đương 3,6 tỷ USD trong vụ tấn công sàn giao dịch Bitfinex năm 2016.

Ngày 8/2, Bộ Tư pháp Mỹ cho biết đã tịch thu hơn 3,6 tỷ USD tiền mã hóa liên quan đến vụ tấn công sàn giao dịch Bitfinex năm 2016. Một cặp vợ chồng tại New York bị bắt giữ với cáo buộc âm mưu rửa lượng tiền trên.


Theo CNBC, danh tính 2 người bị bắt giữ là Ilya Lichtenstein (34 tuổi) và Heather Morgan (31 tuổi). Cặp vợ chồng dự kiến hầu tòa vào cuối ngày 8/2 (giờ Mỹ). Nhà chức trách cáo buộc Lichtenstein và Morgan có ý định rửa 119.754 Bitcoin thu được từ vụ tấn công Bitfinex.

Gần 120.000 Bitcoin bị đánh cắp trong vụ tấn công sàn giao dịch Bitfinex năm 2016. Ảnh: Reuters.

Năm 2016, Bitfinex bị tin tặc xâm nhập, thực hiện hơn 2.000 giao dịch trái phép. Công tố viên cho rằng các giao dịch đã gửi lượng Bitcoin bị đánh cắp đến ví tiền mã hóa của Lichtenstein.


Cơ quan chức năng địa phương đã tịch thu hơn 94.000 Bitcoin, trị giá khoảng 3,6 tỷ USD tại thời điểm thu giữ. Tổng số Bitcoin bị đánh cắp cách đây 5 năm hiện trị giá khoảng 4,5 tỷ USD. Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mỹ Lisa Monaco cho biết đây là vụ tịch thu tiền lớn nhất từ trước đến nay của cơ quan.


"Hôm nay, cơ quan pháp luật liên bang một lần nữa chứng minh khả năng theo dõi dòng tiền qua blockchain. Chúng tôi không cho phép sử dụng tiền mã hóa để rửa tiền, hoặc để ngoài vòng pháp luật trong hệ thống tài chính", Kenneth Polite Jr., Trợ lý Bộ trưởng Tư pháp Mỹ cho biết.


Với cáo buộc âm mưu rửa tiền, Lichtenstein và Morgan có thể đối diện mức án 20 năm tù, trong khi tội âm mưu lừa đảo có thể chịu án tối đa 5 năm.


Theo dữ liệu từ hãng phân tích blockchain Chainalysis, các nền tảng tiền mã hóa đã đối mặt nhiều vụ tấn công, thiệt hại khoảng 14 tỷ USD trong năm 2021. Vào đầu tháng 2, Wormhole, cầu nối giữa blockchain Ethereum với Solana đã bị tin tặc tấn công, đánh cắp khoảng 326 triệu USD.

Thứ Tư, 9 tháng 2, 2022

Facebook và Instagram có thể biến mất khỏi châu Âu

 Meta cho biết có thể chấm dứt hoạt động của mạng xã hội Facebook và Instagram tại châu Âu bởi các quy định về bảo vệ dữ liệu.

Trong báo cáo dài hơn 130 trang của Meta gửi đến Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC), công ty đặt ra kịch bản có thể phải dừng hoạt động hai nền tảng Facebook và Instagram tại châu Âu. Nguyên nhân được công ty nêu ra là luật bảo vệ dữ liệu của châu lục này đang hạn chế dần cơ hội kinh doanh của Meta.


Theo WinFuture, đây không phải là một chiêu trò khơi dậy sự “thương hại” của người dùng dành cho nền tảng đến từ đội ngũ quảng cáo Meta.

Trong báo cáo thường niên, Meta nêu ra kịch bản có thể phải ngừng hoạt động của Facebook và Instagram tại châu Âu. Ảnh: Getty.

Cụ thể, quy định trong luật bảo vệ dữ liệu của châu Âu ngăn Meta lấy thông tin từ người dùng gửi về máy chủ tại Mỹ. Tuy nhiên, việc xử lý dữ liệu người dùng giữa các quốc gia rất quan trọng với hoạt động kinh doanh của công ty. Đây là mấu chốt để nền tảng vận hành và nhắm mục tiêu quảng cáo chính xác.


Bộ luật của châu Âu được đưa ra nhằm bảo vệ quyền riêng tư của người dùng bằng cách giới hạn dữ liệu chỉ được lưu trữ trong phạm vi quản lý của Liên minh châu Âu. Vì vậy, Meta sẽ không thể đạt được các thỏa thuận chia sẻ dữ liệu mới. Từ đó, nhiều khả năng công ty phải ngừng hoạt động dịch vụ Facebook và Instagram tại “lục địa già”.


“Nếu chúng tôi không thể chuyển dữ liệu giữa các quốc gia, khu vực và các sản phẩm của mình, khả năng cung cấp dịch vụ sẽ bị ảnh hưởng”, Meta viết trong bản báo cáo gửi đến SEC. Công ty giải thích rằng đang nỗ lực để đạt được những thỏa thuận mới vào năm 2022. Nhưng nếu không thuận lợi, Meta có thể sẽ phải dừng công cấp một số dịch vụ quan trọng, bao gồm cả Facebook và Instagram ở châu Âu.


“Chúng tôi kêu gọi các nhà quản lý áp dụng cách tiếp cận tương xứng và thực tế hơn để giảm thiểu sự gián đoạn trong hoạt động của hàng nghìn doanh nghiệp, trong đó có Facebook. Chúng tôi đã thực hiện dựa trên những cơ chế này một cách thiện chí để chia sẻ dữ liệu an toàn và bảo mật”, Nick Clegg, Phó chủ tịch phụ trách các vấn đề toàn cầu của Meta nói với CityAm.


Mashable cho rằng việc ngưng dịch vụ Facebook và Instagram tại châu Âu trong thời gian ngắn là không khả thi. Nhiều doanh nghiệp tại châu lục này dựa vào quảng cáo trên Facebook, Instagram để tiếp cận khách hàng. Do đó, việc hai mạng xã hội lớn dừng hoạt động sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của công ty tại đây.


Ngoài ra, bên cạnh nhiệm vụ nêu ra những thách thức, cơ hội phát triển về tài chính của công ty, báo cáo gửi đến SEC có thể là một cách đơn giản để nêu lên thông điệp của doanh nghiệp.


Meta đối mặt với loạt thông tin tiêu cực gần đây. Sáng 3/2, công ty mẹ của Facebook công bố báo cáo tài chính quý IV/2021, trong đó ghi nhận khoản sụt giảm 8% lợi nhuận so với cùng kỳ năm trước, chỉ còn 10,3 tỷ USD mặc dù doanh thu tăng 20%.


Con số thực tế thua xa mức dự đoán 10,9 tỷ USD của các chuyên gia tại phố Wall. Ngay lập tức, giá cổ phiếu Meta trên sàn giao dịch Nasdaq bị bán tháo mạnh, giảm 23% về mức 249 USD/cổ phiếu.


Trong buổi họp với cổ đông nhằm công bố kết quả kinh doanh quý IV, Mark Zuckerberg đánh giá các cập nhật của hệ điều hành iOS, cũng như nhiều quy định mới tại châu Âu khiến cho khoản doanh thu từ quảng cáo sụt giảm. Meta dự đoán mức thiệt hại từ các lý do trên lên đến 10 tỷ USD.

Tesla lỗ 101 triệu USD do mua Bitcoin

 Tesla cho biết họ đang nắm giữ lượng Bitcoin trị giá 1,99 tỷ USD. Tổng lợi nhuận cho thương vụ đầu tư vào khoảng 27 triệu USD.

Theo hồ sơ thông báo năm tài chính 2021 mà Tesla nộp cho Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC), tính đến ngày 31/12, hãng xe điện nắm giữ lượng Bitcoin (BTC) trị giá 1,99 tỷ USD.


Tesla đề cập họ đã mua tổng cộng 1,5 tỷ USD Bitcoin trong năm 2021. Hôm 8/2/2021, Elon Musk, CEO Tesla thông báo trên Twitter sẽ chấp nhận Bitcoin là phương thức thanh toán khi mua các sản phẩm của hãng xe điện này. Giá BTC lập tức tăng 20% trong buổi tối hôm đó, chạm mức 46.500 USD.


BTC kết thúc năm 2021 ở vùng giá 46.000 USD. Đồng tiền số có vốn hóa lớn nhất thị trường từng giảm về mốc 30.000 USD vào tháng 7/2021 do lệnh cấm đến từ Trung Quốc. Tesla phải ghi nhận khoản lỗ tạm thời 51 triệu USD vào báo cáo tài chính quý II/2021 do thị trường tiền số mất giá mạnh vào tháng 5-6/2021.

Tesla từng chấp nhận thanh toán xe điện bằng BTC. Ảnh: Tesla.

Theo CNBC, Tesla không lựa chọn phương thức hạch toán theo giá thị trường nên lợi nhuận của công ty không bị ảnh hưởng khi Bitcoin giảm giá. Lợi nhuận của Tesla chỉ bị ảnh hưởng khi họ mua hoặc bán lượng BTC đang sở hữu.


Trong hồ sơ nộp SEC, Tesla ghi nhận khoản tổn thất tạm thời 101 triệu USD trong năm 2021 do thương vụ đầu tư Bitcoin. Ngoài ra, họ cũng đề cập khoản lợi nhuận 128 triệu USD sau khi bán 10% lượng BTC nắm giữ vào cuối tháng 3/2021. Tesla đã thu về tổng cộng 27 triệu USD nhờ vào các giao dịch tiền số trong năm 2021.


“Chúng tôi tin trong dài hạn, các tài sản số là khoản đầu tư có lợi nhuận tốt. Tài sản số có tính thanh khoản tương đương với tiền mặt”, Tesla ghi trong hồ sơ. Họ cũng nhận định giá trị của các loại tài sản số biến động phụ thuộc vào “góc nhìn và hoàn cảnh của thị trường”.


Theo luật kế toán cho tài sản số tại Mỹ, nếu giá của một tài sản giảm trong quý đó, công ty bắt buộc phải ghi nhận khoản tổn thất tạm thời trong báo cáo tài chính. Tuy nhiên khi tài sản tăng giá, các công ty không được ghi nhận đó là lợi nhuận.


Tháng 5/2021, Tesla thông báo họ không tiếp tục theo đuổi kế hoạch cho thanh toán bằng Bitcoin vì các quan ngại về ô nhiễm môi trường do các xưởng đào BTC. Giữa tháng 7/2021, CEO Tesla, Elon Musk lại tuyên bố sẽ chấp nhận Bitcoin nếu 50% lượng điện năng phục vụ cho việc đào coin là năng lượng xanh, sạch.


Hôm 14/1, Elon Musk đã chia sẻ trên Twitter rằng công ty xe điện của ông chấp nhận thanh toán bằng Dogecoin cho một số mặt hàng.


Thứ Bảy, 29 tháng 1, 2022

iPhone nào hỗ trợ mở Face ID khi đeo khẩu trang?

 Tính năng mới của iOS 15.4 chỉ hỗ trợ iPhone 12 trở đi, do yêu cầu cao hơn về hệ thống cảm biến TrueDepth.

Apple vừa giới thiệu năng sử dụng Face ID với khẩu trang trên phiên bản thử nghiệm iOS 15.4. Phiên bản cập nhật mới cho phép người dùng mở khóa iPhone ngay cả khi đeo khẩu trang mà không cần sử dụng đến Apple Watch như trước đó.


Tuy nhiên, tin buồn dành cho người dùng iPhone là tính năng chỉ hỗ trợ các thiết bị thuộc dòng iPhone 12 trở lên. Apple đã giới hạn khả năng nhận diện khuôn mặt khi đeo khẩu trang với dòng máy iPhone 11 trở xuống, trong đó có cả iPad Pro.


Apple lý giải điều này là do những yêu cầu về cải tiến hệ thống cảm biến TrueDepth.

Mặc dù Face ID đã có từ năm 2017, nhưng để mở khóa iPhone khi đeo khẩu trang bạn cần sử dụng ‌dòng iPhone 12‌ hoặc iPhone 13. Ảnh: 9to5Mac.

Người dùng có thể thiết lập Face ID có hoặc không đeo khẩu trang. Nếu chọn tùy chọn đeo khẩu trang, người dùng không cần phải đeo trong quá trình thiết lập.


Theo The Next Web, hiện hãng đang thử nghiệm tùy chọn này trên phiên bản iOS 15.4 Beta và dự kiến sẽ phát hành rộng rãi trong vài tháng tới. Apple đã nghiên cứu hàng loạt những thuật toán mới giúp nhận diện những vùng quanh mắt để mở khóa thiết bị.


Tập đoàn công nghệ cũng cho biết tính năng sở hữu độ bảo mật tương đương với phiên bản Face ID trước đó, đặc biệt sai số chỉ nằm ở ngưỡng 1/1.000.000.


Giờ đây, người dùng iPhone đã có thể mở khóa điện thoại với mọi góc độ khuôn mặt. Tuy nhiên, để thuật toán làm việc một cách chính xác nhất, người dùng cần nhìn thẳng vào thiết bị.


Ngoài ra, việc đeo kính khi sử dụng Face ID cũng không còn là một mối lo khi phiên bản cập nhật đã có thể nhận diện khuôn mặt khi vừa đeo kính, vừa đeo khẩu trang.


Người dùng có thể thiết lập Face ID để nhận dạng từng cặp kính mà mình đeo thường xuyên. Nhưng do yêu cầu về bảo mật, Apple cho biết hãng hiện giới hạn số lượng kính là 4 cặp trở xuống. Người dùng nên để lộ hoàn toàn khuôn mặt và đeo kính khi cài đặt tính năng này.


Với đời iPhone 11 trở xuống, người dùng có thể sử dụng Apple Watch để mở khóa điện thoại. Trong bản cập nhật iOS 14.5 ra mắt vào tháng 4/2021, Táo Khuyết đã cho phép người dùng mở khoá thiết bị bằng đồng hồ thông minh Apple Watch mà không cần sử dụng đến Face ID.


Hãng công nghệ cũng đã cải thiện tốc độ hiển thị màn hình mật khẩu nếu Face ID nhận diện người dùng đang đeo khẩu trang, The Next Web cho biết.

Chính quyền Mỹ chuẩn bị đưa Bitcoin vào khuôn khổ

 Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden chuẩn bị ban hành bộ khung pháp lý hoàn chỉnh cho Bitcoin và thị trường tiền mã hóa.

Nhà Trắng cho biết sẽ sớm công bố bộ khung pháp lý nhằm đưa Bitcoin và thị trường tiền mã hóa vào khuôn khổ. Chính quyền liên bang cho rằng tình trạng quy định lộn xộn giữa các ban ngành và cơ quan khiến họ phải thực hiện bước đi này.


Theo Bloomberg, chính phủ Mỹ sẽ công bố bản kế hoạch cấp liên bang về tài sản số trong tháng 2. Các cơ quan trực thuộc chính quyền liên bang có nhiệm vụ đánh giá mức độ rủi ro và cơ hội của loại tài sản này.


Bản kế hoạch này là một phần trong chiến dịch thắt chặt an ninh quốc gia của Mỹ. Trong giai đoạn tới, chính phủ sẽ làm rõ vai trò của tiền mã hóa và từ đó xây dựng bộ quy chuẩn nhằm sớm hợp pháp hóa Bitcoin, thị trường tiền số, tiền ổn định giá (stablecoin) và token không thể thay thế (NFT).

Các quốc gia đang nghiên cứu và thử nghiệm tiền số do Ngân hàng Trung ương phát hành (CBDC). Ảnh: Accenture.

“Vì tài sản số dễ dàng chuyển đi khắp thế giới, chúng tôi cần phải làm việc với nhiều quốc gia nếu muốn hoàn thiện mục tiêu”, nguồn tin thân cận tại Nhà Trắng chia sẻ với Barron.


Các cơ quan sẽ tham gia vào chiến dịch này bao gồm Bộ Tài chính, Hội đồng Kinh tế Quốc gia và Hội đồng Cố vấn Kinh tế Mỹ. Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ cũng xuất hiện do chính phủ cho rằng tiền mã hóa “có tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế và an ninh quốc gia”.


Chính quyền Tổng thống Mỹ liên tục thúc giục Quốc hội nhanh chóng ban hành dự thảo về tiền mã hóa. Đầu tháng 11/2021, Bộ Tài chính Mỹ công bố bản báo cáo liệt kê các quan điểm của cơ quan này đối với stablecoin. Nội dung chủ yếu là các rủi ro đối với hệ thống thanh toán và an ninh tiền tệ mà tiền ổn định giá có thể gây ra.


Chính phủ Mỹ dự định sẽ phát hành đồng tiền mã hóa của riêng mình, hay được gọi là tiền số của Ngân hàng Trung ương (CBDC). CBDC có giá trị tương đương với tiền pháp định hiện nay nhưng được phát hành và sử dụng hoàn toàn trên môi trường số.


Tuy nhiên, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đang cân nhắc các kịch bản và rủi ro khi phát hành CBDC. Hôm 27/1, FED cho biết họ bắt đầu lấy ý kiến công chúng và các quan chức về vấn đề này cho đến hết 20/5.


Hiện nay, mỗi đơn vị thuộc chính phủ Mỹ đang quản lý một mảng của thị trường tiền số khiến cho chính sách chung bị xáo trộn. Theo Bloomberg, các lãnh đạo cấp cao liên tục có các buổi trao đổi trong thời gian qua và Tổng thống Joe Biden sẽ thông báo kế hoạch chính thức trong vài tuần tới.

YouTube muốn tham gia thị trường NFT

 Việc tham gia thị trường NFT có thể đem lại doanh thu mới cho YouTube từ nhà sáng tạo nội dung và người hâm mộ.

Trong lá thư thường niên gửi đến các nhà sáng tạo nội dung trên YouTube, Giám đốc Điều hành Susan Wojicki cho biết công ty đang nghiên cứu những cách thức giúp người sáng tạo hưởng lợi từ NFT.


Tuy không đề cập kế hoạch cụ thể, nữ CEO khẳng định Web3 chính là nguồn cảm hứng để công ty phát triển tính năng NFT nhằm đưa đến một nguồn lợi mới cho các nhà làm sáng tạo.

Hiện YouTube chưa tiết lộ cụ thể thời gian ra mắt hay cách thức tích hợp NFT vào nền tảng. Ảnh: YouTube.

“Trong những năm gần đây, tiền mã hóa, NFT (token không thể thay thế) và DAO (tổ chức phi tập trung) đã nhân rộng mối liên kết giữa người sáng tạo và người xem hơn bao giờ hết”, Wojicki viết trong lá thư.

Bà Wojicki cũng cho biết YouTube muốn mở rộng hệ sinh thái YouTube để người sáng tạo nội dung hưởng lợi từ những công nghệ mới, trong đó có NFT.


Theo TechCruch, hiện YouTube đang thử nghiệm nhiều cách để người làm truyền thông sử dụng NFT trên nền tảng. Công ty này cung cấp tùy chọn “gian hàng” hiển thị ở dưới mỗi video để đăng tải các sản phẩm quần áo, đồ lưu niệm, đĩa vinyl… do nhu cầu kinh doanh ngày càng cao của các doanh nghiệp.


TechCrunch cho biết YouTube có thể kết hợp với các nền tảng hỗ trợ NFT và công nghệ ví tiền mã hóa để cho phép người dùng trưng bày các sản phẩm NFT, hoặc tích hợp sâu công nghệ vào hồ sơ người dùng, cung cấp các công nghệ để họ làm việc trong các không gian ảo.


Là nền tảng lớn cuối cùng tham gia vào lĩnh vực này, việc YouTube cho phép người làm nội dung bán trực tiếp các sản phẩm NFT cho người xem sẽ là một cú huých lớn cho trào lưu công nghệ vốn ít được các nền tảng mạng xã hội “để mắt đến” này, Engadget nhận định.


Đồng thời, sự kiện này cũng đánh dấu lần đầu tiên tập đoàn Alphabet của Google - công ty mẹ của YouTube - bước vào mảng NFT, theo Bloomberg.

Trong khi đó, các đối thủ khác của mạng xã hội này đã “nhập cuộc” từ sớm. Bloomberg cho biết gần đây Twitter cũng thử nghiệm tính năng dùng NFT làm hình đại diện. Ban giám đốc của Instagram cũng bày tỏ sự thích thú trước công nghệ này, đồng thời Facebook và Instagram cũng đang nghiên cứu về thị trường NFT và các tính năng khác, The Financial Times đưa tin.


Mặt khác, NFT cũng không phải lĩnh vực duy nhất YouTube đang hướng đến trong năm tới. Wojicki cho biết tập đoàn rất “hào hứng” với các podcast và “kỳ vọng đây sẽ là điểm hội tụ của mảng sáng tạo nội dung”. Bà cũng hứa hẹn sẽ mở rộng tính năng mua bán cho các nhà làm nội dung và thử nghiệm tích hợp khả năng này vào Shorts.


Bà Wojicki cũng nhắc đến việc loại bỏ bộ đếm lượt dislike trên nền tảng. Wojicki cho rằng tuy chức năng này thường được dùng để quấy rối các nhà làm truyền thông nhỏ lẻ nhưng mặt khác cũng cảnh báo và đưa ra đề xuất thích hợp cho người xem.


“Nhưng dù công khai lượt dislike hay không cũng không ảnh hưởng đến lượt xem video. Do đó, những ảnh hưởng tiêu cực của bộ đếm này cũng giảm đi phần nào”, nữ CEO viết.


Theo The Verge, một số nhà sáng tạo video YouTube cũng kiếm tiền qua NFT như video nổi tiếng “Charlie Bit Me” đã được bán dưới dạng NFT token với giá 761.000 USD. Video trên YouTube về David DeVore trong ôtô sau khi đi khám răng nổi tiếng vào năm 2009 gần đây được bán đấu giá dưới dạng NFT trên nền tảng Foundation trị giá 11.000 USD.


Rất nhiều doanh nghiệp đã tham gia thị trường NFT, từ những công ty sản xuất game có tiếng tăm như Ubisoft, Square Enix đến cơ quan thông tấn như AP. Theo TechSpot, mức chi cho NFT trong năm nay có thể đạt 27 tỷ USD.

Join Our Newsletter