Thứ Bảy, 29 tháng 1, 2022

Lamborghini phát hành NFT

 NFT đầu tiên của Lamborghini sẽ được đấu giá trong tháng 2. Tuy nhiên, công ty không có dự định chấp nhận thanh toán bằng tiền mã hóa.

Theo The Verge, thương hiệu xe hơi Lamborghini “tăng tốc” vào thế giới blockchain bằng việc ra mắt NFT đầu tiên của mình vào tháng 2. Công ty đã đưa ra thông báo về việc mở cuộc đấu giá cho loạt NFT mà họ kết hợp sản xuất cùng nghệ sĩ người Thụy Sĩ Fabian Oefner trên nền tảng NFT Pro và nhà đấu giá Sotheby’s.


Theo mô tả, NFT sắp được đấu giá là hình ảnh chiếc Lamborghini bị rã thành nhiều linh kiện khi xuyên qua màn đêm tối đen. The Verge đánh giá hình ảnh của Lamborghini trông hiện đại, chuyên nghiệp hơn loạt NFT phổ biến như Bored Ape. Tuy nhiên, chưa rõ cộng đồng tiền mã hóa sẽ thể hiện thái độ ra sao với một thiết kế chỉn chu như thế này.


Bộ sưu tập NFT đầu tiên từ Lamborghini sẽ được đấu giá trong tháng 2. Ảnh: The Verge.

Bộ sưu tập từ Lamborghini tập trung vào chủ để thiên văn. Phiên đấu giá 5 NFT đầu tiên sẽ diễn ra tại nft.lamborghini.com vào 16h, ngày chưa xác định. Thời gian của mỗi cuộc đấu giá là 75 giờ 50 phút. “Đây là thời gian chính xác để Apollo 11 rời trái đất và đi vào quỹ đạo mặt trăng”, Lamborghini đưa ra thông báo.


Theo mô tả từ công ty, nghệ sĩ Fabian Oefner phải bỏ ra nhiều công sức cho thiết kế này. Cụ thể, khi bắt đầu dự án, Oefner đã nghiên cứu tỉ mỉ các bản vẽ thiết kế của chiếc Lamborghini Aventador Ultimae. Từ đó, ông phác thảo phiên bản hoàn thiện của bức vẽ. Dựa trên bản mẫu, Lamborghini chế tạo tất cả các linh kiện cần thiết để nhóm sản xuất chụp ảnh từng bộ phận ngay tại nhà máy ở Sant'agata Bolognese. Cuối cùng, tại văn phòng ở Mỹ, các nghệ sĩ mất khoảng 2 tháng để kết hợp ảnh chụp của hàng nghìn linh kiện, tạo ra bức ảnh thành phẩm.


Lamborghini cũng đang bán một bộ “chìa khóa không gian” bằng sợi carbon mà công ty gửi đến Trạm Vũ trụ Quốc tế vào năm 2020 (ISS). Thương hiệu xe Italy tuyên bố họ là nhà sản xuất đầu tiên gửi các thành phần đang nghiên cứu lên ISS cho mục đích khoa học.


The Verge cho rằng ở một khía cạnh nào đó, bộ sưu tập NFT là những sản phẩm có số lượng lớn nhất công ty từng bán ra bởi xe hơi từ hãng thường được chế tạo với số lượng giới hạn, được săn lùng bởi giới siêu giàu.


“Cộng đồng NFT là nhóm trẻ với định hướng đổi mới. Họ có mục tiêu, lợi ích tương tự Lamborghini. Vì vậy, đó là một mối liên hệ hợp lý”, Stephan Winkelmann, Giám đốc Điều hành của Lamborghini nói với The Verge.

Tác phẩm NFT sắp được đấu giá của Lamborghini. Ảnh: Lamborghini.

Ông Winkelmann cho biết công ty tạo ra NFT của riêng mình bởi sự xuất hiện của các sản phẩm nhái Lamborghini. “Đó là vấn đề ảnh hưởng đến cộng đồng người dùng. Bộ sưu tập bảo vệ thương hiệu khỏi sự giả dối”, CEO Lamborghini cho biết.


Buổi đấu giá sắp tới cũng là bài kiểm tra của công ty với cơ hội tài chính từ mảng NFT và các tài sản số. Tuy nhiên, công ty đang “rất cẩn trọng” để không làm ảnh hưởng đến sự toàn vẹn của thương hiệu Lamborghini.


Do đó, Lamborghini không có kế hoạch chấp nhận thanh toán bằng Bitcoin hoặc bất kỳ loại tiền số nào. “Chúng tôi rất thận trọng trong vấn đề này và sẽ không thay đổi cách thanh toán”, Winkelmann cho biết.


NFT (Non Fungible Token) là một loại tài sản ảo không thể thay thế hay sao chép, thường được gắn với một tài sản thật. Thay vì mua một tác phẩm nghệ thuật ngoài đời, người dùng có thể sở hữu chúng trên Internet. Nhờ công nghệ blockchain, mỗi vật phẩm NFT được gán một mã xác thực duy nhất.


Giá trị của NFT dựa vào sự hiếm có và độ độc đáo. Nhưng không giống như hệ thống tiền số, người dùng không thể đổi một NFT này lấy một NFT khác. Không chỉ hình ảnh, NFT có thể đại diện cho âm thanh, GIF hay video...

Ông Putin ủng hộ đào tiền số tại Nga

 Trái ngược với lập trường của Ngân hàng Trung ương, Tổng thống Nga có phát biểu ủng hộ lĩnh vực đào coin.

Trong cuộc họp với các bộ trưởng, Tổng thống Nga Vladimir Putin ngỏ ý ủng hộ đề xuất về điều khoản thu thuế và quy định cho hoạt động đào tiền mã hóa. Theo Bloomberg, ông Putin đã từ chối bản đệ trình cấm hoàn toàn khai thác coin và giao dịch tiền mã hóa của Ngân hàng Trung ương Nga.


“Yêu cầu mà Ngân hàng Trung ương đưa ra là có lý do. Các hoạt động đào coin và tiền mã hóa có nhiều rủi ro đến công dân Nga”, ông Putin chia sẻ.


Dù đánh giá tốt đề xuất của Ngân hàng Trung ương, Tổng thống Nga theo đuổi chính sách cho phép khai thác tiền mã hóa. Ông Putin nhận định các vùng có giá điện rẻ như Irkutsk, Krasnoyarsk và Karelia vẫn được phép hoạt động đào coin.

Một xưởng đào coin tại Nga. Ảnh: Bloomberg.

Dmitry Peskov, phát ngôn viên điện Kremlin từ chối cung cấp lập trường chính thức của ông Putin. Ông Peskov cho biết Tổng thống Nga yêu cầu các bên liên quan tiếp tục nghiên cứu yêu sách của mình.


Hôm 25/1, Ivan Chebeskov, trưởng bộ phận chính sách tại Bộ Tài chính Nga tiết lộ cơ quan này đã đệ trình bản đề xuất và đang chờ được thông qua. Ông Chebeskov cho rằng chính phủ nên đặt ra khung pháp lý cho tiền mã hóa thay vì cấm chúng. Lệnh cấm sẽ khiến lĩnh vực tiền mã hóa bị đình trệ.


“Chúng ta cần để chúng phát triển thêm một thời gian”, ông Chebeskov chia sẻ.


Tín hiệu tốt từ ông Putin khiến cho thị trường tiền mã hóa có chút khởi sắc. Nga đi ngược với hành động tiêu cực của Kazakhstan khi nước này tạm ngưng cấp điện cho các trại đào Bitcoin từ hôm 24/1. Nga là quốc gia có lượng máy đào tiền mã hóa lớn thứ 3 thế giới, sau Mỹ và Kazakhstan.


Dựa vào tình hình tại điện Kremlin, có thể chính sách cho phép đào coin sẽ được thông qua. Hôm 26/1, Tổng thống Putin yêu cầu chính phủ và Ngân hàng Trung ương Nga mau chóng đưa ra khung pháp lý chung cho tiền mã hóa.


“Chúng ta có lợi thế ở lĩnh vực đào tiền mã hóa so với nhiều quốc gia khác. Nhân lực giỏi về công nghệ thông tin và giá điện rẻ chính là điểm mạnh”, ông Putin chia sẻ trong buổi họp với các bộ trưởng.


Đào Bitcoin là hoạt động sử dụng số lượng lớn máy tính có công suất tính toán cao để xác thực các giao dịch trên mạng lưới Bitcoin. Khai thác coin thường tiêu tốn nhiều điện năng.


Vitaliy Borschenko, đồng sáng lập xưởng đào BitCluster cho biết các thợ đào đã được chính phủ mời đến hợp tác sau khi Ngân hàng Trung ương Nga tung ra đề xuất cấm hoàn toàn tiền mã hóa. “Các bộ và ban ngành đều không muốn đưa ra chính sách cực đoan”, ông Borchenko nói thêm.

Thứ Sáu, 28 tháng 1, 2022

Apple trả thưởng kỷ lục cho người tìm ra lỗ hổng bảo mật

 Số tiền 100.500 USD mà Apple trả cho người phát hiện lỗ hổng webcam trên Mac là con số cao nhất từ trước đến nay.

Ryan Pickren, nghiên cứu sinh ngành bảo mật tại Học viện Công nghệ Georgia đã tìm ra cách hack webcam máy MacBook, tạo điều kiện cho tin tặc xâm nhập trái phép.


Thông qua chương trình Security Bounty Program, Apple đã chi 100.500 USD, nhiều hơn 500 USD so với kỷ lục trước đó, để trả cho Ryan Pickren.


Trước đó, anh cũng từng phát hiện lỗ hổng làm lộ webcam trên iPhone, iPad và MacBook và thông báo cho Apple vào tháng 12/2019. Đây được đánh giá là lỗi bảo mật nghiêm trọng, ảnh hưởng đến quyền riêng tư và thông tin cá nhân của người dùng.

Đây không phải là lần đầu tiên chàng sinh viên nhận thưởng vì phát hiện lỗi bảo mật trong hệ thống của Apple. Ảnh: MacObserver.

Trên trang web cá nhân, Ryan Pickren tiết lộ lỗ hổng webcam lần này liên quan đến một loạt các vấn đề về Safari và iCloud mà hãng đã khắc phục trước đó. Các trang web độc hại sẽ tấn công người dùng thông qua các lỗi này.


Trong bản báo cáo tóm tắt, Pickren cho biết các hacker sẽ toàn quyền truy cập các tài khoản trực tuyến như iCloud, PayPal và thậm chí là quyền sử dụng microphone, máy ảnh và chia sẻ màn hình. Nhưng đèn thông báo màu xanh vẫn sẽ hiển thị khi camera bị chiếm quyền.


Anh cũng đề cập đến việc các tin tặc sẽ có thể tự do xâm nhập các tập tin hệ thống có trong thiết bị như tệp lưu trữ web của Safari - dùng để lưu các bản sao website trong máy.


“Chức năng của tập tin này là ghi nhớ các trang web nguồn để kết xuất dữ liệu. Điều này sẽ giúp Safari dễ dàng tạo lập lại các website cũ mà người dùng đã từng truy cập”, Pickren viết trong bản báo cáo.


Tuy nhiên, vào năm 2013, các tác giả của Metasploit - một dự án bảo mật máy tính - đã chỉ ra chỉ cần có quyền chỉnh sửa các tệp tin này, hacker hoàn toàn có thể chèn các đoạn script nguy hiểm vào trong source code ứng dụng web, Pickren bổ sung.


Do đó, theo anh, khi cho trình duyệt sử dụng tập tin này, Táo Khuyết đã không cân nhắc đến trường hợp hacker xâm nhập thiết bị của người dùng. “Nhưng đây cũng là điều dễ hiểu vì nhóm tệp này sẽ xuất hiện cả thập kỷ về trước, khi bảo mật máy tính chưa được tân tiến như hiện tại”, Pickren nhận định.


Hiện Apple chưa đưa ra bất cứ phản hồi về lỗ hổng bảo mật trên.


Chương trình Security Bounty Program là một phần mở rộng của dự án mà Apple thực hiện từ năm 2016 để khuyến khích mọi người thử bẻ khóa và tìm ra lỗ hổng bảo mật iPhone của Apple.

Giải thưởng 1 triệu USD sẽ trao cho các chuyên gia có thể kiểm soát thiết bị của người khác mà không cần chủ sở hữu nhấp vào liên kết độc hại. Ảnh: Trademarq.

Theo AppleInsider, giải thưởng cao nhất của chính sách trị giá 1 triệu USD. Các giải thưởng khác sẽ được trao tặng tùy thuộc vào lĩnh vực bảo mật. Đồng thời, hãng cũng không đưa ra giới hạn số tiền thưởng cho các chuyên gia bảo mật.


Apple hy vọng với chương trình này họ sẽ loại bỏ các nguy cơ mối đe dọa về bảo mật và an ninh mạng trước khi bị tấn công và tống tiền bởi các thành phần xấu.


Hiện hãng cũng không phải là ông lớn công nghệ duy nhất treo thưởng cho các hacker “mũ trắng” này. Google cũng cho những nhà nghiên cứu đã tìm thấy và báo cáo các lỗ hổng ảnh hưởng đến khả năng bảo mật của Android và Chrome, theo PhoneArena.

Tesla vẫn đang trữ Bitcoin

 Hãng xe điện cho biết họ không mua thêm hay bán bất kỳ đồng Bitcoin nào trong thời gian qua.

Tesla cho biết công ty này giữ nguyên lượng Bitcoin trị giá 1,26 tỷ USD mà họ đã nắm giữ từ tháng 4/2021, theo báo cáo kinh doanh quý IV được công bố rạng sáng 27/1.


Thị trường tiền mã hóa trong quý IV ghi nhận sự tăng trưởng ngoạn mục rồi sụt giảm không phanh. BTC tăng mạnh từ mốc 41.000 USD vào đầu tháng 10/2021 và đạt đỉnh 69.000 USD hôm 10/11. Kể từ đó, thị trường liên tục ghi nhận sắc đỏ, Bitcoin kết thúc năm 2021 ở vùng giá 45.000 USD.


Bên cạnh việc giữ nguyên lượng BTC nắm giữ, Tesla không phải ghi nhận khoản tổn thất tạm thời trong báo cáo tài chính do giá Bitcoin cuối quý III và khi kết thúc năm 2021 không khác nhau.

Bitcoin có một năm di chuyển thất thường. Ảnh: CoinMarketCap.

Tesla đã duy trì lượng BTC của mình trong 3 quý liên tiếp trong năm 2021. Tuy nhiên trong báo cáo tài chính quý III/2021, Tesla phải ghi nhận khoản tổn thất tạm thời 51 triệu USD do Bitcoin khi đó giảm về mốc 33.000 USD. Theo MarketWatch, mức giá trung bình mà công ty này mua vào BTC là khoảng 36.000 USD.


Theo luật kế toán cho tài sản số tại Mỹ, nếu giá của một tài sản giảm trong quý đó, công ty bắt buộc phải ghi nhận khoản tổn thất tạm thời trong báo cáo tài chính. Tuy nhiên khi tài sản tăng giá, các công ty không được ghi nhận đó là lợi nhuận.


Tháng 2/2021, CEO Elon Musk của thông báo công ty đã mua 1,5 tỷ USD Bitcoin. Thị trường lập tức phản ứng bằng việc BTC tăng 20% giá trị chỉ trong ngày 8/2. Tuy nhiên, cuối quý I/2021, hãng xe điện cho biết họ đã bán 10% lượng Bitcoin mà họ sở hữu. Việc bán 10% vị thế BTC đã đem về cho công ty 272 triệu USD.


Zach Kirkhorn, Giám đốc Tài chính của Tesla cho biết họ đầu tư vào Bitcoin nhằm tăng lợi nhuận từ khoản tiền mặt nhàn rỗi của công ty. Ông Kirkhorn đánh giá thị trường tiền mã hóa là giải pháp trong giai đoạn khủng hoảng chuỗi cung ứng và chip, cũng như lãi suất ngân hàng thấp.


Theo CoinDesk, mức cổ tức quý IV/2021 của Tesla là 2,54 USD trên một cổ phiếu so với dự đoán 2,36 USD từ giới chuyên gia. Lợi nhuận của hãng xe điện trong quý này là 17,7 tỷ USD. Giá cổ phiếu Tesla đã giảm nhẹ 4% trong phiên giao dịch 26/1 theo giờ Mỹ, sau khi công bố báo cáo lợi tức nhưng hiện tại đã hồi phục về mức 937 USD.

Thứ Năm, 27 tháng 1, 2022

Kiếm hàng triệu USD từ ứng dụng uống bia trên iPhone

 ới mỗi lượt tải xuống có giá xấp xỉ 3 USD, ở thời kỳ đỉnh cao, iBeer mang về cho chủ nhân 20.000 USD/ngày.

Trong cuộc phỏng vấn với MEL, Steve Sheraton, người sáng lập Hottrix, nhà phát triển ứng dụng iBeer nổi tiếng thế giới, đã tiết lộ khả năng kiếm tiền đáng nể của một app đơn giản dành cho iPhone.


Vào năm 2007, ảo thuật gia 37 tuổi Sheraton đăng lên YouTube video "uống một ly bia" trên chiếc iPhone của mình. Thực chất ông đánh lừa người xem bằng việc phát đoạn phim ngắn trên máy, có chuyển động khớp với thao tác đưa ly bia lên miệng uống.

Nhóm phát triển iBeer đã thu về hàng triệu USD. Ảnh: Hottrix.

Bất ngờ xảy ra khi có hàng triệu lượt xem video, một con số rất lớn ở thời điểm cách đây 15 năm. "Mọi người nài nỉ tôi đưa 'thứ này' vào điện thoại của họ. Thậm chí chưa có một từ nào về app", Sheraton kể lại.


Vốn là một người có đầu óc kinh doanh, ông bán đoạn video ly bia với giá 2,99 USD và kiếm được khoảng 2.000 USD/ngày trong thời gian khá dài. Sau đó, khi Apple đã tiếp cận, đề nghị Sheraton phát triển ứng dụng dành cho iPhone. Việc này diễn ra trước thời điểm gã khổng lồ xứ Cupertino công bố App Store vào tháng 7/2008.


iBeer có mặt trong số 500 ứng dụng được tuyển chọn dành cho iPhone từ những ngày đầu App Store vận hành. "Tôi có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực quay phim và chụp ảnh, tôi muốn làm cho bia trông giống thật nhất có thể. Vì vậy, thay vì làm hoạt hình, tôi tạo nội dung từ các video lặp lại và chuỗi hình ảnh - đó là lý do tại sao bọt trông rất giống thật", Sheraton chia sẻ về quá trình phát triển ứng dụng.


Ông lập ra công ty Hottrix và phát hành iBeer với giá 2,99 USD. Ứng dụng nhanh chóng đứng đầu bảng xếp hạng trên App Store và giữ vị trí này trong khoảng một năm.


Thành công của iBeer vượt ra ngoài những lượt tải xuống đơn thuần. New York Times, Fortune và Time đều đưa iBeer vào danh sách "các ứng dụng iPhone phải có". Trong khi đó, một bài viết trên CNN Money vào năm 2008 đánh giá "ứng dụng thông minh này phục vụ một loại bia không bao giờ kết thúc", đồng thời mô tả sự mượt mà, chân thật của nó "nghiêng điện thoại khiến bia chảy và lắc nó sẽ tạo ra bọt".


Với giá bán xấp xỉ 3 USD, hàng triệu lượt tải xuống đã mang về cho Sheraton và nhóm phát triển tại Hottrix một khoản tiền khổng lồ. "Trong thời kỳ hoàng kim của chúng tôi, chúng tôi đã kiếm được từ 10.000 đến 20.000 USD mỗi ngày", ông cho biết.


Kiếm được nhiều tiền và nổi tiếng chóng vánh, Sheraton cùng đồng nghiệp hào phóng chi cho các chuyến du lịch, mua sắm, tiệc tùng. Trong khi đó, thị trường ứng dụng ngày một căng thẳng hơn, xuất hiện các app tương tự. Dần dà, iBeer không còn giữ được vị trí ban đầu.


Đến 2010, iBeer rơi khỏi bảng xếp hạng các ứng dụng được tải xuống nhiều nhất trên App Store. Thay vào đó, những app được đầu tư nghiêm túc bởi các công ty công nghệ như Facebook, Skype và Fruit Ninja vươn lên mạnh mẽ. Cuối cùng, ảo thuật gia Sheraton rút khỏi Hottrix và từ bỏ quyền sở hữu đối với iBeer.


Ở tuổi 52, Sheraton đang sống cùng với gia đình trong một trang trại tại Tây Ban Nha, tiếp tục phát triển ứng dụng dành cho các ảo thuật gia. Chia sẻ với MEL, ông tỏ ra hài lòng với công việc hiện tại. "Tôi rất vui khi được sống cùng gia đình và trồng cây ăn quả. Tôi cảm thấy thoải mái hơn rất nhiều so với việc phải vật lộn với một ứng dụng trông giống như cốc bia".

Ấn Độ phát triển hệ điều hành riêng, cạnh tranh với Android, iOS

 Bộ Điện tử và Công nghệ Thông tin Ấn Độ đặt mục tiêu phát triển hệ điều hành di động nội địa, cạnh tranh với Android hay iOS.

Theo The Economic Times, chính phủ Ấn Độ đang có kế hoạch thúc đẩy phát triển một hệ điều hành di động “bản địa”. Mục tiêu của nền tảng này là để cạnh tranh với Android, iOS.


Đề xuất trên được nêu ra bởi Bộ trưởng Bộ Điện tử và Công nghệ Thông tin Rajeev Chandrasekhar vào ngày 25/1. Theo phát biểu, Ấn Độ sẽ khuyến khích ngành công nghệ tạo ra một hệ điều hành di động “cây nhà lá vườn”. Phần mềm mới được tạo ra với mục đích “giải pháp thay thế Android và iOS” ở Ấn Độ.


Ông Chandrasekhar lưu ý rằng iOS và Android giúp phát triển thành công hệ sinh thái phần cứng. Đó là điều vị bộ trưởng hy vọng nền tảng Ấn Độ tạo ra có thể làm được, giúp mở rộng ngành công nghiệp di động ở nước này.

Ấn Độ đặt mục tiêu tạo ra hệ điều hành di động riêng, phát triển công nghệ thông tin trong nước.

MacRumors cho biết chính phủ Ấn Độ đang trong quá trình tìm kiếm công ty khởi nghiệp và tổ chức khoa học phù hợp, đủ khả năng phát triển hệ điều hành mới. Các cuộc thảo luận chi tiết tập trung vào việc thiết lập mục tiêu cụ thể cho dự án. Bước tiếp theo, nền tảng mới được xây dựng để tuân thủ các quy định của luật pháp nước này. Theo đó, các doanh nghiệp tham gia vào hệ điều hành sắp phát triển sẽ nhận được nhiều ưu đãi hấp dẫn về vốn và nhận đầu tư nước ngoài.


Dự án này nằm trong tầm nhìn của Thủ tướng Narendra Modi, tạo ra các sản phẩm dẫn đầu ở nhiều ngành, thúc đẩy mảng công nghệ đất nước. Chính phủ Ấn Độ đã công bố lộ trình để đạt được mục tiêu 300 tỷ USD giá trị sản xuất điện tử tại nước này ở năm 2026. Hiện tại, Ấn Độ đang đạt khoảng 75 tỷ USD. Đồng thời, nước này kỳ vọng đạt được 120 tỷ USD giá trị xuất khẩu hàng điện tử, tăng từ mức 15 tỷ USD hiện tại.


Ấn Độ dần trở thành thị trường quan trọng với Apple. Tuy nhiên, công ty phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các sản phẩm Android sản xuất trong nước. Apple đạt mức tăng ổn định số thiết bị được sản xuất tại Ấn Độ trong những năm qua. Hiện tại, 70% tổng số iPhone bán ra tại quốc gia này được sản xuất trong nước.


Sau khi giới thiệu cửa hàng trực tuyến của Apple ở Ấn Độ vào năm 2020, iPhone 11 và iPhone 12 là những mẫu điện thoại thông minh bán chạy nhất tại nước này. Việc sản xuất lượng lớn iPhone 13 ở Ấn Độ sẽ bắt đầu vào tháng 3. Táo khuyết cũng sắp triển khai cửa hàng bán lẻ đầu tiên tại Ấn Độ trong thời gian tới.

Trung Quốc giới thiệu nền tảng NFT quốc gia

 Một mạng lưới blockchain dùng để quản lý và khởi tạo NFT được nhà nước Trung Quốc hậu thuẫn vừa đi vào thử nghiệm.

Theo SCMP, mạng lưới dịch vụ chuỗi khối Blockchain Service Network (BSN) là nền tảng được hậu thuẫn bởi nhà nước Trung Quốc. BSN được tạo ra để hỗ trợ khởi tạo, quản lý các NFT của nước này. Bước đi trên đánh dấu quan trọng trong việc tạo ra một “ngành công nghiệp mới” ở quốc gia tỷ dân, tách biệt với thị trường toàn cầu và không liên kết với loại tiền số nào.


BSN cho biết cơ sở hạ tầng của nền tảng, được gọi chung là Chứng chỉ Kỹ thuật số được phân phối bởi BSN (BSN-DDC) sẽ cung cấp “một điểm tập trung đa dạng, minh bạch và đáng tin cậy” cho các doanh nghiệp khởi tạo, quản lý NFT của riêng họ. Theo SCMP, mạng lưới này không phụ thuộc vào tiền số, loại tài sản đang bị cấm tại Trung Quốc. Trong khi đó, phần lớn NFT đang lưu hành là một phần của blockchain Ethereum (ETH).

Trung Quốc giới thiệu nền tảng NFT ‘quốc dân’, không liên kết với tiền. Ảnh: SCMP.

BSN được hỗ trợ vận hành bởi gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc China Mobile, công ty cung cấp dịch vụ thanh toán được nhà nước điều hành China UnionPay và Trung tâm Thông tin State Think Tank của chính phủ. Trong thông báo, đơn vị phát triển cho biết họ có kế hoạch ra mắt BSN-DDC vào cuối tháng 3.


Bên cạnh 3 đối tác lớn, hệ thống của Trung Quốc có sự tham gia của 26 công ty sáng lập. Trong danh sách có mặt đơn vị blockchain của công ty kế toán Ernst & Young, Trung tâm Nghệ thuật Kỹ thuật số Châu Á, Trung tâm Trao đổi Tác phẩm Nghệ thuật và Văn Hóa Quốc tế Hải Nam.


NFT là loại tài sản kỹ thuật số được xác thực và giao dịch trên các blockchain công khai. NFT không bị cấm tại Trung Quốc. Một số doanh nghiệp công nghệ lớn của quốc gia tỷ dân như Ant Group, Alibaba, Tencent, JD.com, Baidu… đã tung ra NFT của riêng mình dưới tên “Bộ sưu tập kỹ thuật số”.


Tuy nhiên, các blockchain nổi tiếng, nền tảng phi tập trung là bất hợp pháp ở Trung Quốc. Theo ông He Yifan, Giám đốc Điều hành bộ phận hỗ trợ kỹ thuật của BSN, chính phủ nước này yêu cầu các hệ thống Internet xác minh danh tính người dùng và cho phép cơ quan quản lý can thiệp trong trường hợp có hoạt động bất hợp pháp.


Để khắc phục vấn đề, BSN chuyển sang sử dụng công nghệ blockchain mở (OPB). Đây là nền tảng chuỗi khối có thể được quản lý bởi một nhóm chỉ định, không còn phi tập trung.


BSN-DDC đã được tích hợp với 10 OPB. Bao gồm những phiên bản tương thích với blockchain quốc tế như Ethereum, Corda. Bên cạnh đó, hệ thống cũng hỗ trợ Fisco, Bcos, những blockchain nội địa .


Chi phí khởi tạo NFT có thể được thanh toán bằng NDT, tiền pháp định của Trung Quốc. Theo BSN, giá để đúc một NFT trên nền tảng này vào khoảng 0,05 NDT (tương đương 0,7 UScent), thấp hơn nhiều chuỗi khối khác. Đơn vị vận hành kỳ vọng BSN-DDC sẽ tạo ra hơn 10 triệu NFT để hoàn vốn.


Các NFT hiện được sử dụng chủ yếu để xác thực tác phẩm nghệ thuật số. Tuy nhiên, ông He Yifan cho rằng thị trường lớn nhất của công nghệ này là quản lý, kiểm định như biển số ôtô. Một hệ thống như vậy sẽ cung cấp cho chủ sở hữu phương tiện, chính phủ và công ty bảo hiểm quyền truy cập vào dữ liệu quãng đường đi, động cơ và lịch sử sửa chữa.

Tổng Thống El Salvador bị yêu cầu từ bỏ Bitcoin

 Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo tiền mã hóa có nhiều rủi ro và yêu cầu El Salvador ngừng quá trình hợp pháp hóa Bitcoin.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) thúc giục quốc gia vùng Trung Mỹ ngừng xem Bitcoin (BTC) là đồng tiền hợp pháp do IMF cho rằng BTC có rủi ro cao. Họ cũng cảnh báo đất nước sẽ gặp nhiều cản trở khi đi vay từ các định chế đa quốc gia nếu đưa Bitcoin vào lưu thông tiền tệ.


Kế hoạch vay 1,3 tỷ USD từ IMF của El Salvador trong năm 2021 đã bị tạm dừng do các quan ngại về Bitcoin. Giám đốc IMF, người quản lý quỹ đầu tư của 190 quốc gia thành viên cho rằng Bitcoin có thể gây nguy hại cho “tính ổn định và an toàn nền tài chính thế giới cũng như quyền lợi của người tiêu dùng”.


Ngoài ra, IMF nhận định trong một báo cáo công bố hôm 25/1 rằng BTC đang tạo gánh nặng cho nợ công của El Salvador. Vị giám đốc đề nghị chính quyền nước này “bỏ điều khoản chấp nhận BTC là tiền tệ hợp pháp trong bộ luật về Bitcoin”.

Tổng thống El Salvador trong buổi chia sẻ về "thành phố Bitcoin". Ảnh: Financial Times.

Các thành viên khác trong hội đồng thống đốc và ban giám đốc của IMF cũng bày tỏ thái độ ngần ngại với trái phiếu được bảo chứng bằng Bitcoin mà El Salvador dự định phát hành. Theo Financial Times, loại trái phiếu đặc biệt này sẽ được phân phối bởi sàn giao dịch tiền mã hóa Bitfinex.


Blockstream, công ty chuyên về blockchain, đơn vị tư vấn cho chính quyền tổng thống Nayib Bukele tin rằng việc phát hành qua Bitfinex sẽ thu hút được nhiều nhà đầu tư cá nhân. “Chúng tôi tin rằng loại trái phiếu này giúp Bitcoin được chấp nhận rộng rãi hơn và tạo ra một hướng đi mới cho các tài sản gắn với BTC”, Samson Mow, giám đốc chiến lược tại Blockstream chia sẻ.


El Salvador là quốc gia đầu tiên và duy nhất tính đến nay hợp pháp hóa Bitcoin. Tổng thống nước này, ông Nayib Bukele là một ngôi sao trong giới đầu tư tiền mã hóa khi liên tục thông báo mua BTC mỗi khi thị trường điều chỉnh. Ông Nayib từng chia sẻ một nửa khoản tiền thu được từ hoạt động bán trái phiếu bảo chứng bằng BTC sẽ được dùng để đầu tư tiền số.


Quốc gia vùng Trung Mỹ bắt đầu mua Bitcoin từ cuối tháng 9/2021. Theo Bloomberg, El Salvador mua vào BTC xung quanh vùng giá 50.000 USD. Quỹ đầu tư công của quốc gia này đang nắm giữ ít nhất 1.801 Bitcoin.


Hiện tại, BTC có giá khoảng 37.700 USD, giảm 45% từ mức đỉnh 69.000 USD vào đầu tháng 11/2021. El Salvador ước tính đang lỗ gần 20 triệu USD từ khoản đầu tư vào Bitcoin.


Việc El Salvador "thua lỗ" khi đầu tư Bitcoin có thể xem như một thất bại trong ngắn hạn. Tuy nhiên về dài hạn khi BTC hồi phục, El Salvador sẽ có lợi. Ngoài ra chính sách cởi mở với tiền mã hóa cũng thu hút các startup blockchain. El Salvador công nhận quyền thường trú nhân ngay lập tức đối với các nhà đầu tư đã mua hơn 100.000 USD trái phiếu chính phủ được phát hành bằng blockchain.

Dấu chấm hết cho đồng tiền ổn định của Facebook

 Facebook rao bán phần lớn tài sản bảo trợ cho dự án Diem. Các cơ quan pháp lý nói không với đồng tiền ổn định giá của Meta.

Hiệp hội Diem, với tên cũ là Libra, dự án tiền số được Facebook (hiện đổi tên thành Meta) xây dựng dần đi vào hồi kết. Theo Bloomberg, tổ chức này đang bán tháo phần lớn tài sản của họ để trả lại tiền vốn cho các nhà đầu tư.

Diem đang hợp tác với các ngân hàng đầu tư nhằm hỗ trợ họ định giá tài sản và tìm kiếm khách hàng tiềm năng. Hiệp hội này cũng giúp các kỹ sư của dự án sớm tìm bến đỗ mới.

Diem là dự án tiền số ổn định giá (stablecoin) đầy tham vọng của Facebook nhằm hỗ trợ cho thanh toán điện tử và chuyển tiền trong nội bộ mạng lưới do Meta sáng lập. Dù có nhiều công ty lớn trong lĩnh vực thanh toán như Visa hay Mastercard tham gia, dự án gặp nhiều cản trở từ các cơ quan chính phủ.

Các đối tác của Diem được đăng trên trang chủ của họ. Ảnh: Diem.

CEO Facebook, Mark Zuckerberg phải tham gia đợt điều trần trước Quốc hội Mỹ do các quan ngại về dự án stablecoin Diem vào cuối tháng 10/2019. Nhiều đối tác đã quay lưng với mạng lưới sau giai đoạn này. Nhà sáng lập dự án, David Marcus đã rời Meta vào tháng 11/2021.


Stablecoin hay tiền ổn định giá là đồng tiền mã hóa được ra đời nhằm giảm thiểu ảnh hưởng do sự biến động giá của thị trường tiền số bằng việc neo chúng với USD. Stablecoin thường được dùng để làm trung gian trao đổi với các đồng tiền mã hóa như Bitcoin, Ethereum.

Facebook đã ủy quyền cho ngân hàng Silvergate Capital đứng ra phát hành đồng stablecoin Diem, đồng thời chuyển trụ sở hoạt động của dự án từ Thụy Sỹ về Mỹ. Diem là dạng stablecoin được neo theo USD, có nét tương đồng với nhiều đồng tiền ổn định đang có trên thị trường như USDT.

Theo Bloomberg, sau thời gian dài trao đổi qua lại, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) không đảm bảo ngân hàng Silvergate có quyền được phát hành Diem. Dự án đi vào ngõ cụt khi không nhận được sự ủng hộ từ FED.

Tương lai các kỹ sư làm việc tại Diem trở nên mịt mờ, tài sản và bằng sáng chế của dự án cũng mất một phần giá trị bởi quyết định của FED. Nhiều khả năng dự án sẽ không tìm được người muốn mua lại.

Meta sở hữu 1/3 cổ phần của Diem và các đối tác nắm giữ phần còn lại. Nhiều quỹ đầu tư và công ty công nghệ đồng ý trả một khoản phí để được tham gia đầu tư. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có danh sách đầy đủ những cái tên tham gia.

Diem có công bố các đối tác nổi bật trên trang web chính thức của mình. Những cái tên gồm có quỹ đầu tư Andreessen Horowitz (a16z), Union Square Ventures và tập đoàn kinh tế của chính phủ Singapore Temasek Holding. Các công ty tiền mã hóa như Coinbase cũng tham gia. Nền tảng đặt xe Uber hay công ty thương mại điện tử Shopify cũng góp mặt.

Tháng 11/2021, chính quyền Mỹ ra quyết định chính thức về stablecoin. Bộ Tài chính Mỹ cho biết nhà phát hành tiền ổn định dùng trong hoạt động thanh toán phải là các ngân hàng đang chịu sự giám sát của chính phủ.

Điều này nhằm hạn chế các công ty công nghệ tự phát hành tiền số của riêng mình nhằm phục vụ cho hoạt động thanh toán. Nếu để điều này diễn ra sẽ dẫn đến “quyền lực kinh tế được tập trung quá mức vào một nhóm nhỏ các công ty”, Bộ Tài chính Mỹ nhận định trong báo cáo.

Thứ Tư, 26 tháng 1, 2022

Gia đình Trump cảnh báo đồng TrumpCoin

 Eric Trump, con trai ông Trump, cho biết sẽ có hành động pháp lý với meme coin này.

TrumpCoin là meme coin ra mắt năm 2016, hướng đến những người ủng hộ Tổng thống Mỹ thời điểm đó là ông Donald Trump. Tuy nhiên, trong bài viết trên trang cá nhân ngày 25/1, con trai thứ của ông Trump là Eric Trump đã cảnh báo TrumpCoin là lừa đảo và cho biết sẽ có biện pháp pháp lý với đồng tiền này.

“Gia đình chúng tôi vừa biết được một đồng tiền điện tử sử dụng biểu tượng TRUMP có tên gọi là ‘TrumpCoin’. Sản phẩm không hề liên quan đến chúng tôi. Chúng tôi chưa từng ủy quyền hay liên kết gì với tổ chức này. Chúng tôi sẽ sớm có hành động pháp lý”, phó Chủ tịch tập đoàn Trump Organization thông báo trên trang Twitter của mình.

Đồng meme TrumpCoin ra mắt vào ngày 20/12/2016, nhưng gần đây mới bị nhà Trump dọa kiện. Ảnh: Bitcoin.com.

Tài khoản TrumpCoin sau đó đã trả lời Eric Trump kèm theo lời khẳng định rằng đồng tiền không có bất kỳ sự hợp tác nào với cựu Tổng thống Mỹ. Trên trang web, nhà phát triển meme coin này cho biết TrumpCoin "không thuộc sở hữu, được chứng thực hay liên kết với Donald J. Trump, tập đoàn Trump Organization và những tổ chức, chi nhánh do cựu Tổng thống Trump quản lý”.

Trả lời phỏng vấn của Cnet, đại diện phát triển TrumpCoin cũng nhấn mạnh rằng đồng tiền đã được vận hành 5 năm và “chưa từng có hợp tác với gia đình Trump kể từ những ngày đầu thành lập”.

“Sự hiểu lầm này đã đưa chúng tôi vào thế khó xử”, đại diện từ TrumpCoin bổ sung.

Theo thống kê của CoinMarketCap, tổng giá trị vốn hóa của TrumpCoin khoảng 1,5 triệu USD với lượng cung là 6,6 triệu đồng coin. Đồng meme này gần đây không ghi nhận bất kỳ khối lượng giao dịch nào. Tuy nhiên, Decrypt cho biết sau dòng tweet của Eric Trump giá đồng TrumpCoin đã tăng 350% vào hôm nay.

Thị trường tiền số từng chứng kiến một cơn sốt tăng giá mạnh của nhiều meme coin trong năm 2021. Ảnh: Reuters.

Trước đó, cựu Tổng thống Mỹ từng gọi Bitcoin là một “trò lừa đảo chống lại đồng USD” và không ít lần bày tỏ quan điểm phản đối tiền ảo. Tuy nhiên, không giống chồng mình, bà Melania Trump lại là một người rất hứng thú với Bitcoin và NFT. Thậm chí bà còn ra mắt sản phẩm NFT của riêng mình với tên gọi "Melania’s Vision" vào tháng 12/2021.

Facebook và Instagram có thay đổi lớn trong những năm tới

 Meta có thể tích hợp tính năng hiển thị, mua bán NFT vào Facebook và Instagram.

Theo FT, các đội ngũ tại Facebook và Instagram đang phát triển tính năng cho phép người dùng hiển thị tác phẩm NFT (tài sản ảo gắn với token không thể thay thế) trên trang cá nhân và tạo ra NFT của riêng họ.

Nguồn tin cho biết Meta (công ty mẹ của Facebook) cũng xem xét phát hành gian hàng mua bán NFT - tác phẩm kỹ thuật số gắn với blockchain để chứng thực quyền sở hữu.

Facebook va Instagram co the ho tro NFT anh 1

NFT có thể được tích hợp vào Facebook, Instagram trong thời gian tới. Ảnh: Getty Images.

Tháng 12/2021, Adam Mosseri, người đứng đầu Instagram đã tiết lộ kế hoạch "khám phá NFT" nhưng không chia sẻ cụ thể. Dự án NFT của Instagram ban đầu được dẫn dắt bởi Kristin George, Giám đốc Sản phẩm và Nhà sáng tạo cùng David Marcus, Giám đốc Thanh toán và Tiền mã hóa của Facebook.

Sau khi Marcus rời công ty, vị trí trên được thay bởi Stephane Kasriel, cựu CEO nền tảng tìm việc tự do Upwork.

Ví điện tử Novi được Facebook thử nghiệm từ năm ngoái sẽ đóng vai trò quan trọng với kế hoạch. "Nhiều tính năng liên quan đến Novi sẽ dành cho NFT", nguồn tin tiết lộ. Đại diện Meta từ chối bình luận.

Kế hoạch tích hợp NFT vào Facebook đang trong giai đoạn đầu và có thể thay đổi. Đây được xem là động thái đầu tiên của công ty liên quan đến NFT, thị trường trị giá đến 40 tỷ USD sau khi phổ biến từ năm ngoái. Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích cho rằng đây chỉ là bong bóng đầu cơ, tạo ra bởi những trò lừa đảo và thao túng thị trường.


Trong tháng 1, OpenSea, "chợ" NFT lớn nhất hiện nay đã huy động thành công 300 triệu USD, nâng mức định giá lên 13 tỷ USD. Trước đó 6 tháng, công ty này đã huy động 100 triệu USD để nâng định giá lên 1,5 tỷ USD.

Coinbase, sàn giao dịch tiền mã hóa của Mỹ đã ra mắt website mua bán NFT vào tháng 10/2021. Twitter đang thử nghiệm tính năng trình diễn NFT trên trang cá nhân, trong khi Reddit đã tung ra bộ sưu tập avatar NFT riêng.

Khi công bố đổi tên công ty Facebook thành Meta, CEO Mark Zuckerberg cho biết NFT sẽ hỗ trợ thị trường mua bán hàng hóa trong metaverse, vũ trụ ảo được Facebook đặt nhiều kỳ vọng.

Kế hoạch của Meta sẽ giúp các nghệ sĩ, nhà sáng tạo kiếm tiền từ tác phẩm NFT. Người mua NFT thường dùng chúng làm ảnh đại diện trên mạng xã hội. Đây được xem là cách kiếm doanh thu mới của Facebook và Instagram trong bối cảnh 2 nền tảng này đối diện loạt bê bối về quyền riêng tư, có nguy cơ ảnh hưởng đến mô hình kinh doanh dựa trên quảng cáo.

Máy in Canon 3300 báo lỗi E747 0000

Bảng mã lỗi máy in Canon LBP3300 error code, bạn dễ dàng biết lỗi E747 là do Board Formatter rồi nhé.

Mã lỗi Nguyên nhân Kiểm tra các bộ phận liên quan

E000 Lỗi sấy Bộ sấy, bo mạch nguồn, cáp sấy, thanh nhiệt Khối Laser (quang)

E100 Lỗi Laser Scan Bo

E197 an engine communication error Bo nguồn, formatter

E747 Lỗi Board formatter

E805 Lỗi Quạt Quạt , Bo nguồn

Máy in canon ix 6560 báo lỗi đèn cam 15 lần

 Máy in canon ix 6560 báo lỗi đèn cam nháy 15 lần,hay là may in canon 6560 bao loi code 1410 – 1419

Là tình trạng máy in bị lỗi về phần mực,mà cụ thể là do máy in không nhận nhiều màu mực cùng lúc.

Dấu hiệu máy in canon ix 6560 báo lỗi đèn cam 15 lần là ,khi ta khởi động máy in lên máy khởi động bình thường nhưng nó sẽ không check mực . Mà sau khi chạy khởi động được 1 lát là cụm mực đầu phun chạy về phía góc bên phải máy và đứng im,lúc này máy sẽ bào lỗi đèn cam nháy 15l lần

Lúc này ta mở nắp máy lên và dút bỏ khóa,cụm mực đầu phun sẽ chạy ra giữa máy và đứng chờ ở đó.

Tùy theo là lỗi 1 hoặc nhiều màu mực mà đèn led sẽ thể hiên bằng độ sáng của đèn.

Có thể là 1 đèn không sáng,hoặc tất cả các đèn led đều không sáng.

Trường hợp này có 2 nguyên nhân:

Một là do chíp led mực bị lỗi ( tiếp xúc chập chờn không chết hẳn na ná dạng chập là mất xung điều khiển )

Hai là do bệ tiếp xúc gắn trên cụm đầu in lỗi ( do mực chảy xuống dẫn đến chập tín hiệu,hoặc do bẩn bụi lâu ngày dẫn tới oxi hóa dỉ xét chân tiếp xúc.)

Đối với trường hợp 1 thì ta có chíp mực khác thay thế tương đương nhưng con chíp led chập chờn hoặc hơn nữa mà có bộ mực sơ cua tốt thì ta tiến hành thay thử là ok nhất,khi đã tiến hành phép thử thứ 1 mà kết quả không có gì thay đổi ta tiến hành xử lý sang trường hợp thứ 2 luôn.

Lúc này ta sẽ tiến hành tháo máy ,tháo cụm đầu in ra lấy vỉ tiếp xúc chíp led vệ sinh thật sach sẽ ,xấy khô rồi lắp lại.

Qua 2 bước trên là đảm bảo 90% máy hoạt động được rồi,còn lại sâu hơn thì phải có main mạch thay thế

tình trạng máy hoạt động tốt đối với trường hợp này là khi ta lắp mực vào đầy đủ,đóng khóa giấy máy sẽ chạy và load tất cả các màu led sẽ sáng chớp bào lúc load mực.

Thứ Ba, 25 tháng 1, 2022

Khách hàng thất vọng dịch vụ Internet trên trời của Elon Musk

 Khách hàng của Starlink bày tỏ sự thất vọng về việc giao hàng chậm trễ và dịch vụ chăm sóc khách hàng gần như "không tồn tại" của SpaceX.

Một số khách hàng của Starlink - dịch vụ Internet vệ tinh của SpaceX phàn nàn rằng chăm sóc khách hàng của công ty này gần như "không tồn tại". Họ đã chờ đợi gần 1 năm sau khi đăng kí dịch vụ mà chưa được sử dụng.

Insider đã liên lạc với hơn 10 khách hàng đã đăng kí và chờ đợi gần 12 tháng cho dịch vụ Internet của Starlink. Tuy nhiên, họ không nhận được bất kì thông tin cập nhật nào từ công ty của Elon Musk về thời gian Starlink sẽ có mặt tại khu vực của họ và liệu bộ thiết bị này có được phát hành hay không.

Bộ thiết bị Starlink của SpaceX. Ảnh: The Verge.

Từ tháng 2/2021 đến nay, các khách hàng đã gửi cho Insider email xác nhận về các giao dịch với Starlink của họ và yêu cầu hoàn tiền.

SpaceX hiện chưa đưa ra bất kỳ câu trả lời nào về vấn đề này.

Một khách hàng của Starlink, anh Morgan Pace đã cố gắng đăng kí dịch vụ Internet cho người cha 70 tuổi của mình, hiện sống trong một trang trại gia súc ở phía Bắc California.

Vào tháng 2/2021, anh Pace đã đăng ký dịch vụ Starlink và trả khoản tiền đặt cọc 100 USD để giữ chỗ.

“Nhiều tháng rồi tôi không nhận được thông tin gì”, anh nói với Insider.

Anh đã kiểm tra tài khoản của mình và thấy rằng anh có thể mất chỗ trong hàng chờ nếu lấy lại tiền đặt cọc. Anh cho biết trên trang web của SpaceX không có dịch vụ chăm sóc khách hàng của Starlink. Sau 10 tháng chờ đợi anh đã yêu cầu hoàn tiền.

"Tôi nghĩ dịch vụ chăm sóc khách hàng của Starlink không hề tồn tại", anh Pace nói.

Jason Kirkpatrick ở Michigan cho Insider biết anh cũng đã trả 100 USD để đăng kí giữ chỗ Starlink vào tháng 3/2021 nhưng đã yêu cầu hoàn tiền vào tháng 12/2021 vì không có liên hệ từ SpaceX.

Cho đến nay anh Kirkpatrick vẫn chưa nhận lại được tiền, đồng thời không thể liên hệ với SpaceX. Anh cảm thấy bản thân "bị lừa" khi đặt cọc tiền.

“Không chắc bằng cách nào mà một công ty có thể lấy tiền của khách hàng mà không cung cấp dịch vụ”, anh phàn nàn.

Elon Musk cho biết dịch vụ Internet vệ tinh Starlink của SpaceX đang trên đà đạt được hơn 500.000 người dùng. Ảnh: The Verge.

Một khách hàng khác của Starlink, ông Scott Alexander nói với Insider rằng ông đã đợi gần một năm để nhận được bộ Starlink.

"Kể từ đó, tôi không nhận được thông tin gì ngoài những email bào chữa chung chung rằng tất cả chúng tôi đã nghe, lưu ý các vấn đề về đại dịch và chuỗi cung ứng", ông giải thích.

SpaceX đã gửi email tới các khách hàng đặt hàng trước của Starlink vào năm ngoái, xin lỗi vì sự chậm trễ trong giao hàng và nói rằng tình trạng thiếu silicon đã làm chậm tốc độ sản xuất.

Ông Alexander cho biết một người hàng xóm mình đã đặt hàng Starlink trước ông 3 tuần và nhận được bộ thiết bị.

Starlink cho biết vào tháng 8 rằng tình trạng thiếu chip toàn cầu đang làm trì hoãn việc sản xuất thiết bị.

Keith Bosse, một khách hàng đã đặt cọc cho Starlink vào ngày 25/2 nói với Insider rằng đơn đặt hàng của anh đã bị lùi lại từ giữa 2021 đến quý I/2022. "Họ lên được cả vũ trụ mà lại chẳng thể cập nhật tình hình cho tôi qua email", Bosse chán nản.

“Hiện tại tôi không có lựa chọn nào khác ngoài việc chờ đợi”, anh Troy Dubé, khách hàng tại Canada chia sẻ sau khi chờ đợi từ cuối tháng 2/2021 mà chưa được SpaceX liên hệ lại.

Có vẻ như Starlink đang mất điểm với rất nhiều khách hàng trên toàn thế giới và người dùng sẵn sàng từ bỏ dịch vụ của SpaceX để đến với những lựa chọn nội địa chăm sóc khách hàng tốt hơn.

Hơn 5 khách hàng khác đã liên hệ với Insider để nói rằng họ đã gặp các vấn đề tương tự sau khi đặt trước Starlink.

Theo một bài đăng trên Twitter của Elon Musk, Starlink hiện có hơn 1.400 vệ tinh đang hoạt động trên quỹ đạo.

Thứ Hai, 24 tháng 1, 2022

Lỗi máy in không kéo được giấy vào

 Hiện tượng: Khi ra lệnh in, máy in không kéo được giấy vào trong máy in hoặc chỉ làm việc một cách chập chờn, tức là phải dùng tay đẩy giấy vào trong máy in, hoặc xuất hiện thông báo lỗi giấy trên bảng điều khiển (Page Error), còn mọi chức năng khác của máy in đều tốt.

Nguyên nhân: Do lớp cao su phủ bên ngoài ru lô cuốn giấy bị mài mòn quá nhiều do sử dụng lâu. Cần vệ sinh lại nếu còn sử dụng được hoặc tiến hành thay thế mới để hệ thống cuốn giấy của máy in hoạt động tốt nhất.

Lỗi máy in không kéo được giấy


Tiến hành sửa chữa máy in:


Dưới đây sẽ minh hoạ quá trình thay thế ru lô cuốn giấy trong máy in HP LaserJet 5L & 6 L. Đối với các máy in khác cách thức tiến hành tuy có khác nhau nhưng trình tự cơ bản là như nhau.


Bước 1: Tháo nắp chắn phía sau vỏ máy ra


Rút nguồn và tháo dây kết nối máy tính với máy in ra


Tháo hộp mực ra khỏi máy in


Nhấc bộ phận đỡ giấy lên


Bước 2: Tháo cửa máy in ra


Mở cửa máy in ra, có một chốt giữ cửa máy in ở phía dưới, dùng tay ấn giữ vào chốt này theo chiều mũi tên ở hình dưới, sau đó tháo cửa máy in ra.


Bước 3: Tháo nắp chắn nâng cấp bộ nhớ mở rộng


Dùng tay ấn giữ chốt cài ở phía dưới và tháo nắp chắn nâng cấp bộ nhớ mở rộng ra như ở hình theo chiều mũi tên từ 1 sang 2.


Bước 4: Tháo vỏ máy chính và khay đựng giấy


Dùng tuốc nô vít tháo 2 ốc vít bắt giữ trên đỉnh của vỏ máy ra vị trí 1, sau đó dùng tay cậy hai lẫy cài ở mặt trước của vỏ máy ra và nhấc vỏ máy lên đặt ra ngoài. Sau khi nhấc vỏ máy ra, tiếp tục nhấc khay đựng giấy ra như ở vị trí 2.


Bước 5: Tháo ru lô cuốn giấy


Sau khi tháo vỏ máy chính ra, dùng tay kéo 2 lẫy cài của bánh răng nối với trục truyền động của ru lô cuốn giấy ra hai phía như chiều mũi tên, rồi kéo bánh răng ra.


Sau khi thay thế ru lô cuốn giấy, cần lắp ráp lại các bộ phận của máy in lại như ban đầu. Cuối cùng bật máy in, in thử một vài bản in để chắc chắn bộ phận cuốn giấy đã hoạt động tốt.

Hướng dẫn cách Reset cụm trống Drum máy in Brother MFC L2701D, L2701DW, L2700; DCP L2520

 – Bước 1: Mở nguồn điện, đợi máy in khởi động xong, mở nắp trước máy in (Nắp nơi đặt hộp mực khay drum vào)


– Bước 2: Chắc chắn rằng Cartridge (Là Hộp mực và khay drum) đã cho vào trong máy


– Bước 3 : Giữ nút OK trong vòng 4s – Máy sẽ hiển thị : Yes or NO 


– Bước 4 :  Chọn Yes  để reset ( Hoặc Nhấn vào phím UP Arrow – phím mũi tên hướng lên ) sau đó máy sẽ hiển thị ” Acepted “


– Bước 5 : Nhấn OK để xác nhận. Tắt máy khởi động lại là ok.


Vậy là bạn đã Reset xong cụm trống drum cho dòng máy in Brother MFC L2701D, L2701DW, L2700; DCP L2520

Thị trưởng New York thiệt hại vì nhận lương bằng Bitcoin

 Eric Adams là một trong những chính trị gia tiên phong nhận lương bằng tiền mã hóa. Tuy nhiên, số tiền lương của ông đang mất giá trong giai đoạn thị trường ảm đạm.

Theo The Verge, Eric Adams, thị trưởng thành phố New York (Mỹ) vẫn không từ bỏ kế hoạch nhận những tháng lương đầu tiên của mình bằng Bitcoin và Ethereum dù giá Bitcoin đang giảm mạnh.


Trước đó, vào tháng 11/2021, ông Adams thông báo mình sẽ chuyển dần sang nhận lương bằng tiền mã hóa. Tất nhiên, tại thời điểm đó, giá Bitcoin đang đạt mức cao kỷ lục 69.000 USD.

Eric Adams, Thị trưởng New York quyết định nhận lương bằng Bitcoin. Ảnh: Getty.

Hiện tại, Thị trưởng Adams đang nhận được mức lương khoảng 5.900 USD mỗi 2 tuần, tương đương 258.750 USD một năm sau thuế. Vào ngày 21/1, ông chính thức nhận được khoản lương đầu tiên của mình bằng Bitcoin và Ethereum thông qua sàn giao dịch tiền mã hóa Coinbase.


Tuy nhiên, Bitcoin đang trong giai đoạn mất giá liên tiếp, xuống dưới mức 35.000 USD vào ngày 22/1. Do đó, nếu thị trường tiền mã hóa tiếp tục có xu hướng đi xuống, giá trị tiền lương của Adams có thể nhanh chóng giảm mạnh.


Động thái nhận lương bằng tiền mã hóa của Thị trưởng Adams xuất phát từ một cuộc thảo luận trên Twitter giữa ông và Thị trưởng Miami, Francis Suarez. Trong đó, cả 2 lãnh đạo này đều muốn nhận lương bằng Bitcoin khi giá trị đang ở mức đỉnh điểm.


Tuy nhiên, Adams mong muốn đưa mọi thứ đi xa hơn. Thay vì chọn 1, ông đã quyết định quy đổi thành 3 séc lương bằng tiền mã hóa, như một phần trong nỗ lực biến thành phố New York thành “trung tâm của tiền số”.


Ngoài ra, Thị trưởng Adams chỉ nằm trong số ít những nhân vật nổi tiếng đang ưu tiên sử dụng tiền mã hóa. Một số cầu thủ bóng bầu dục nổi tiếng bao gồm Aaron Rodgers, Tom Brady và Odell Beckham Jr cũng đã chọn chuyển đổi một phần tiền lương thành tiền mã hóa, đa phần là Bitcoin.


Tuy nhiên, sự sụt giảm của tiền mã hóa hiện tại có khả năng “vắt kiệt” khoản tiền lương của họ. Cả 3 cầu thủ này đều đã chuyển đổi lương ra Bitcoin khi đồng tiền này đang ở mức giá cao nhất từ mùa thu năm 2021.


Chủ Nhật, 23 tháng 1, 2022

Hình ảnh Samsung Galaxy S22 Ultra qua tin đồn

Với thiết kế vuông vức và khe chứa bút S Pen chuyên dụng, Galaxy S22 Ultra được kỳ vọng đủ sức thay thế dòng Note.

Thiết bị đáng chờ đợi nhất của Samsung sẽ được trình làng vào tháng 2 với những cải tiến đáng kể về cả mặt thiết kế lẫn hiệu năng. Galaxy S22 Ultra được đồn đoán sẽ có 4 lựa chọn về màu sắc, thay đổi trong ngôn ngữ thiết kế và khả năng chơi game ấn tượng.


Ảnh render cho thấy thiết kế S22 Ultra hoàn toàn khác biệt với tiền nhiệm. Ảnh: OnLeaks.

Kế thừa ngôn ngữ thiết kế và S Pen từ dòng Note

Từ những hình ảnh rò rỉ, có thể dự đoán Samsung Galaxy S22 Ultra sẽ sở hữu các cạnh máy vuông vức, tương tự với ngôn ngữ thiết kế của dòng Note.


Một hình ảnh dựng khác đến từ LetsGoDigital và trang công nghệ 91 Mobiles cũng cho thấy máy có khung viền cứng cáp thay vì kiểu dáng tròn trịa như Galaxy S21.

Nhưng theo cây bút Lisa Eadicicco của Cnet, điểm nhấn của Galaxy S22 Ultra nằm ở cây bút S Pen, đặc điểm kế thừa dòng Note. Ở thế hệ trước, tuy S21 Ultra đã hỗ trợ S Pen, người dùng cần mua ốp riêng để đựng bút.


Hình ảnh từ trang Digit cho thấy khe cắm bút chuyên dụng sẽ được tích hợp sẵn trong S22 Ultra. Trong khi đó, LetsGoDigital và 91Mobiles lại đăng tải những hình ảnh riêng về bút S Pen bên cạnh mô hình máy.

Ngoài ra, tiếp nối S21 Ultra và S20 Ultra, S22 Ultra có thể sẽ là mẫu máy có kích thước lớn nhất trong loạt flagship Galaxy S sắp ra mắt. Thiết bị sẽ sở hữu màn hình AMOLED 6,8 inch với tần sốt quét lên đến 120 Hz tương tự với S21 Ultra trước đó, theo thông tin rò rỉ của trang MySmartPrice và leaker Ishan Agarwal.


Tạm biệt camera đục lỗ quen thuộc

Theo hình ảnh render đã được tiết lộ, thiết bị cao cấp nhất trong dòng S22 sắp tới sẽ không sở hữu mô-đun camera hình chữ nhật hoặc hình “viên thuốc” lớn quen thuộc. Thay vào đó là cụm camera sau hình chữ P được thiết kế lại. Người dùng cũng có thể chờ đợi sự nâng cấp về hệ thống camera, đặc biệt là khả năng zoom. Theo Ice Universe, người chuyên rò rỉ thông tin nổi tiếng, camera tiềm vọng trên S22 Ultra cải tiến khả năng zoom quang học, cho ra ảnh sắc nét hơn so với S21 Ultra.

Galaxy S22 Ultra cũng có thể trang bị cụm 4 camera sau như đã có ở mẫu máy trước đó. Tuy nhiên, có sự khác biệt trong tin đồn về camera tele. Ice Universe cho rằng S22 Ultra sẽ sử dụng camera chính 108 MP, camera góc siêu rộng 12 MP, 2 camera tele 12 MP. Trái lại, rò rỉ từ MySmartPrice và leaker Agarwal lại cho thấy bộ đôi camera tele chỉ có độ phân giải 10 MP.


Hình ảnh render của Galaxy S22 Ultra cũng tiết lộ 4 tùy chọn màu sắc: đen, trắng, xanh và đỏ rượu vang.


Thông số cấu hình vượt trội

Như mọi năm, Samsung vẫn sẽ sử dụng bộ vi xử lý Exynos do Samsung tự phát triển hoặc Qualcomm Snapdragon tùy thị trường phân phối.


Con chip Exynos 2200 hứa hẹn hiệu suất và khả năng gaming ấn tượng nhờ GPU dựa trên kiến ​​trúc RDNA 2 của AMD - xuất hiện trong card đồ họa của PlayStation 5 và Xbox Series X/Series S.

Ở những thị trường khác, thiết bị sẽ sử dụng vi xử lý mới nhất của Qualcomm - Snapdragon 8 Gen 1 - hỗ trợ quay video 8K 30 fps, tăng 30% khả năng render đồ họa và tiết kiệm điện năng 25%.


Về dung lượng pin, S22 Ultra được cho là sẽ sử dụng viên pin 5.000 mAh có khả năng sạc nhanh 45 W giống với mẫu máy trước đó, theo thông tin từ MySmartPrice.


Dòng Ultra của Samsung trước giờ luôn sở hữu bộ nhớ lớn hơn rất nhiều so với các mẫu máy khác trong dòng S. Phiên bản thấp nhất sẽ có dung lượng lưu trữ 128 GB và RAM 12 GB. Tiếp theo đó là phiên bản 256 GB ROM và 12 GB RAM và phiên bản cao cấp nhất - sở hữu tùy chọn bộ nhớ 512 GB và RAM 16 GB.


Giá bán vẫn còn là một ẩn số

Hiện vẫn chưa có giá bán và ngày ra mắt chính thức của dòng flagship S22 năm nay.

Tuy nhiên, mới đây, CEO mảng di động của Samsung TM Roh Tae-moon, xác nhận sự kiện Unpacked trình làng mẫu máy dòng S22 được mong đợi sẽ được tổ chức trong tháng tới. Trang Ice Universe dự đoán thời gian diễn ra sự kiện sẽ rơi vào ngày 9/2. Galaxy S22 Ultra cũng sẽ là thiết bị có mức giá cao nhất trong dòng máy sắp tới.


Thiết bị cao cấp nhất trong dòng flagship của Samsung năm nay sẽ là sản phẩm kế nhiệm cho dòng Galaxy Note trước đó. Theo Cnet, điều này sẽ giúp hãng dễ phân biệt dòng Ultra với các mẫu máy S22 hoặc S22 Plus.

Giá Bitcoin tiếp tục lao dốc không phanh

Đồng tiền mã hóa vẫn chưa thể phục hồi sau khi mất mốc 40.000 USD, 41.000 USD.

Đêm 22/1, giá Bitcoin tiếp tục giảm mạnh. Từ mức hơn 38.000 USD đã giữ trong gần một ngày, đồng tiền mã hóa này có lúc sụt xuống dưới 36.000 USD. Tới 6h sáng 22/1, giá Bitcoin dao động quanh mốc 36.300 USD, giảm hơn 12% so với 24 giờ trước.

Trước đó, Bitcoin đã liên tục tăng, giảm trong vùng 40.000-45.000 USD trong gần 20 ngày. Mốc 40.000 USD được coi là một mức hỗ trợ mạnh về mặt tâm lý. Sau khi giá hạ xuống dưới 40.000 USD, Bitcoin ngay lập tức mất gần 10% giá trị chỉ trong 1 ngày.

Giá Bitcoin giảm mạnh trong 2 ngày qua, dù trước đó dao động gần mốc 43.000 USD. Ảnh: Coinmarketcap.

Thị trường tiền mã hóa nói chung cũng giảm mạnh theo Bitcoin. Các coin có vốn hóa lớn đều mất khoảng 20% giá trị trong khoảng 24 giờ qua. Theo Coinmarketcap, vốn hóa toàn bộ thị trường đã mất khoảng 300 tỷ USD, xuống còn 1.700 tỷ USD trong một ngày.

Tiền mã hóa không phải tài sản đầu tư duy nhất giảm mạnh. Các cổ phiếu lớn cũng mất giá, khi chỉ số Nasdaq Composite giảm tới 7,6%, còn S&P 500 giảm 5,7% trong tuần.

Dù được coi là "vàng kỹ thuật số", thực chất Bitcoin và các loại tiền mã hóa vẫn là khoản đầu tư rủi ro. Theo CNBC, việc các ngân hàng trung ương tăng lãi suất khiến nhà đầu tư giảm bớt tỷ trọng vốn ở các tài sản có tính rủi ro cao. Trong khi đó, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm chạm đỉnh ở trên mức 1,9% trước khi hạ.

"Tôi có phần hơi thất vọng khi thấy giá Bitcoin không có phản ứng tích cực hơn sau khi lãi suất trái phiếu giảm xuống", Edward Moya, nhà phân tích thị trường tại công ty Oanda nhận định.

Dự đoán của nhiều chuyên gia trong thời gian tới là giá Bitcoin sẽ tiếp tục giảm do những quy định về đầu tư bị thắt chặt tại nhiều nước, cùng với việc siết lãi suất để kiềm chế lạm phát.

Sau Trung Quốc, tới lượt Ngân hàng Trung ương Nga đề xuất cấm sử dụng và khai thác tiền mã hóa trên lãnh thổ nước này vào ngày 20/1. Lý do được đưa ra là loại tiền này đe dọa đến sự ổn định tài chính, phúc lợi của người dân và chủ quyền chính sách tiền tệ của đất nước. Giới chức Nga đã nhiều lần tranh cãi về việc cấm tiền mã hóa. Một số quan chức chỉ trích rằng Bitcoin có thể được sử dụng để rửa tiền hoặc tài trợ cho khủng bố.

"Đồng tiền pháp định của Nga liên tục giảm giá trong vài thập kỷ qua. Điều này khiến Bitcoin trở thành một khoản đầu tư hấp dẫn đối với người Nga trong những năm gần đây", ông Moya tại Oanda bình luận.

"Nga nằm trong nhóm ba quốc gia đứng đầu về khai thác Bitcoin. Vì thế, đề xuất được đưa ra đối với tiền mã hóa đã đẩy giá Bitcoin giảm mạnh xuống dưới ngưỡng 40.000 USD/đồng", vị chuyên gia nhận định.

Thị trường tiền mã hóa đỏ thách thức sự chịu đựng của nhà đầu tư

 Bitcoin có thể xuống đến mốc 30.000 USD và chưa thể hồi phục sớm. Nhà đầu tư tiền số phải chịu đựng trong thời gian dài cho đến lúc thị trường quay đầu.

Hơn 1.000 tỷ USD đã bốc hơi khỏi thị trường tiền số trong thời gian ngắn. Giảm giá là xu hướng chung của các loại tài sản kỹ thuật số. Riêng trong ngày 22/1, Bitcoin đã mất 15% giá trị. Đồng tiền mã hóa lớn nhất thế giới đã giảm hơn 50% so với đỉnh hồi tháng 11/2021. Điều đó kéo theo sự mất giá mạnh hơn của hàng loạt altcoin.

Theo các chuyên gia, đây có thể chưa phải đáy cuối cùng của Bitcoin. Đồng thời, nhà đầu tư phải chịu đựng việc sụt giảm trong thời gian dài, cho đến khi thị trường có thể quay đầu.

Hàng nghìn tỷ USD bay hơi khỏi thị trường

Thị trường đi xuống cũng là lúc chứng kiến những cuộc “thanh trừng đẫm máu” diễn ra. Cú sập hôm 21/1 đã cuốn bay 1,1 tỷ USD các hợp đồng tương lai tiền số. Bloomberg cho rằng khi kết hợp với hơn 1.000 tỷ USD đã bay hơi, “vết thương của thị trường đang bị sát thêm muối”.

Khoảng 1.000 tỷ USD giá trị vốn hóa đã "bay hơi" khỏi thị trường tiền số. Ảnh: Getty.

“Thị trường tiền số đang bị thách thức trong tháng này. Chắc chắc là có nhiều nỗi đau ở đó”, Jonathan Padilla, đồng sáng lập của Snickerdoodle Labs, công ty blockchain chuyên về bảo mật cho biết.

Ngay cả những nhà đầu tư dài hạn cũng đang băn khoăn về thời điểm mà cú sập kết thúc. “2022 là năm mà người dùng sẽ nhận ra việc đầu tư tiền số là một công việc khó khăn”, nhà đầu tư Mike Novogratz viết trên Twitter.

Bên cạnh đó, có những người tham gia với nguồn lạc quan vô hạn vào tiền số. Họ tin vào việc Bitcoin từng trải qua 2/3 năm trong màu đỏ, và sắc xanh sẽ sớm trở lại.

“Lúc điều đó (cú sập) xảy ra, các tổ chức sẽ thực sự hoạt động. Một khi loại tài sản này khan hiếm, họ sẽ có nhiều tự tin để quay lại và mua chúng. Họ biết rằng tiền số sẽ không thể biến mất. Do vậy, họ phải quay lại”, Matt Maley, Giám đốc Chiến lược Thị trường của Miller Tabak+ Co. chia sẻ.

Nhưng chu kỳ tin tức xấu vẫn chưa dừng lại. Các cơ quan quản lý từ Nga, Anh, Singapore và Tây Ban Nha đã công bố các biện pháp can thiệp, có thể dẫn đến sự suy yếu của tiền số. Đồng thời, việc thắt chặt chính sách tiền tệ, dự kiến tăng lãi suất của Mỹ cũng là thông tin tiêu cực cho thị trường tiền mã hóa.

Chỉ số Bloomberg Galaxy DeFi của các đồng tiền kỹ thuật số mảng tài chính phi tập trung đã giảm 14% trong tuần qua. Trong khi đó, chính quyền Tổng thống Biden đang chuẩn bị đưa ra một chiến lược ban đầu cho tài sản số. Những điều này đã đè nặng lên Bitcoin, khiến đồng tiền số lớn nhất thế giới rơi về mốc 34.000 USD hôm 22/1.

Theo Bloomberg, cú sập vừa qua lấy đi của Bitcoin khoảng 600 tỷ USD giá trị vốn hóa. Đây là đợt sụt giảm lớn thứ 2 trong lịch sử của đồng tiền số này. Dữ liệu từ Bespoke Investment Group cho thấy cú sập lớn nhất diễn ra vào cuối tháng 7/2021, lấy đi của Bitcoin 646 tỷ USD giá trị thị trường.

Theo Coinglass, khoảng 290.000 nhà giao dịch đã “cháy” hợp đồng tương lai trong vòng 24h ngày thứ 6. Tổng giá trị thanh lý trong hôm 21/1 lên đến 1,1 tỷ USD.

Đáy của Bitcoin có thể là 30.000 USD, thị trường chưa thể sớm hồi phục

Bloomberg cho rằng mốc 40.000 USD của BTC đóng vai trò của điểm uốn. Theo các chuyên gia tiền số, những khoản thanh lý hợp đồng tương lai lớn sẽ tạo ra đáy mới trên thị trường.

“Nhà đầu tư nên cảm thấy lo sợ và bất an. Nếu lượng cổ phiếu bán tháo lớn hơn, hãy mong FED (Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ) can thiệp. Đó là lúc Bitcoin và những loại tiền số khác có cơ hội tăng giá”, Antoni Trenchev, đối tác quản lý tại Nexo cho hay.

Khi tình hình bình ổn, các chỉ báo kỹ thuật cho thấy nhà đầu tư sắp trở lại với Bitcoin. Cụ sập hôm 21/1 đã đưa giá Bitcoin xuống thấp hơn mọi dự báo. Theo truyền thống, đây là dấu hiệu của việc bán tháo đã đạt cực hạn và biểu đồ có thể đảo ngược. Tuy nhiên, tình hình hôm 22/1 tiếp tục tồi tệ, chứng tỏ phe gấu (thị trường đi xuống) vẫn tiếp tục hoạt động mạnh.

“Hiện tại Bitcoin đã phá vỡ mốc 40.000 USD. Điều này đồng nghĩa nó không thể đảo chiều nhanh chóng. Tôi không ngoại trừ khả năng BTC sẽ xuống tới 30.000 USD trước khi FED phải đổi chiến lược. Nhưng đó phải là đáy, ít nhất trong trung hạn. Và sau đó, thị trường sẽ thuận lợi hơn”, ông Trenchev nói thêm.

Theo Bloomberg, Bitcoin dần được giao dịch giống với cổ phiếu Nasdaq 100. Ông Art Hogan, Giám đốc Chiến lược Thị trường tại National Securities cho rằng tiền số hoạt động cùng hệ quy chiếu với cổ phiếu công ty công nghệ hay xe điện là một điều tích cực.

“Khi tất cả tài sản rủi ro bị bán tháo, tiền số cũng tương tự. Do đó, khi Nasdaq 100 hoặc những loại tài sản đầu cơ khác tăng trưởng nhanh, lực kéo sẽ đến với tiền mã hóa”, ôn Hogan nói.


Join Our Newsletter